Phát triển thị trường tài chính, chu kỳ kinh doanh, rủi ro ngân hàng, Đông Nam Á: Tổng quan các nghiên cứu có liên quan
Nội dung của phần này sẽ tổng quan các nghiên cứu trước có liên quan bao gồm: (1) Tác động của phát triển thị trường tài chính đến rủi ro ngân hàng; và (2) Tác động của chu kỳ kinh doanh đến rủi ro ngân hàng.
Tác động của phát triển thị trường tài chính đến rủi ro ngân hàng
Theo Levine (1997), Rajan & Zingales (1998) và Ndikumana (2005) phát triển thị trường tài chính có tác động thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế thông qua việc gia tăng hiệu quả của các trung gian tài chính, quản trị rủi ro, phân bổ vốn hiệu quả, làm giảm chi phí luân chuyển vốn và gia tăng đầu tư.
Tuy nhiên, theo Vithessonthi & Tongurai (2016), các nghiên cứu về tác động của phát triển thị trường tài chính đến rủi ro ngân hàng vẫn còn ít. Các nghiên cứu trước cho rằng phát triển thị trường tài chính có tác động làm tăng và giảm rủi ro ngân hàng.
Một số nghiên cứu về tác động của phát triển thị trường tài chính thông qua tự do hóa tài chính có thể làm giảm rủi ro ngân hàng (Espenlaub & cộng sự, 2012, Williams & Nguyen, 2005). Ví dụ, Williams & Nguyen (2005) cho thấy tự do hóa hệ thống ngân hàng tại các nước Đông Nam Á làm tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 1990–2003. Trong khi đó theo Espenlaub & cộng sự (2012), tự do hóa tài chính khu vực ngân hàng làm giảm rủi ro đạo đức giữa ngân hàng với các công ty thân hữu.
Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy phát triển thị trường tài chính có tác động làm gia tăng rủi ro ngân hàng và hệ thống tài chính. Phát triển thị trường tài chính có thể làm gia tăng bất ổn của hệ thống tài chính nếu các trung gian tài chính tham gia vào các hoạt động có rủi ro cao hơn và làm bùng nổ tín dụng, điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính. Demirguc-Kunt & Detragiache (1998) và Glick & Hutchison (1999) nhận thấy mối quan hệ cùng chiều giữa tự do hóa tài chính và khủng hoảng ngân hàng. Theo Stiglitz (2000), tự do hóa tài chính ở các nền kinh tế mới nổi là nguyên nhân gây khủng hoảng ngân hàng và/hoặc khủng hoảng tài chính. Ruiz-Porras (2009) cho rằng phát triển thị trường tài chính làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ ngân hàng. Festić & cộng sự (2011) cho rằng tăng trưởng tín dụng có tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản của ngân hàng. Ở khía cạnh khác, Eichengreen & Arteta (2002) cho rằng tự do hóa tài chính khuyến khích các trung gian tài chính tham gia vào các hoạt động rủi ro và làm tăng khủng hoảng ngân hàng. Trong một nghiên cứu khác, Cubillas & González (2014) phân tích tác động của tự do hóa tài chính đến rủi ro của 4.333 ngân hàng tại 83 quốc gia. Kết quả cho thấy tự do hóa tài chính làm gia tăng việc chấp nhận rủi ro ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển.
Khi xem xét ảnh hưởng của phát triển thị trường tài chính đến rủi ro ngân hàng trên khía cạnh an toàn vốn và đa dạng hóa doanh thu, nghiên cứu của Vithessonthi (2014a) cho thấy phát triển thị trường tài chính làm gia tăng rủi ro ngân hàng tại 5 quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 1990–2012. Trong một nghiên cứu tương tự, Vithessonthi (2014b) cho thấy phát triển thị trường chứng khoán có khuynh hướng làm giảm rủi ro ngân hàng, ngược lại phát triển khu vực ngân hàng làm giảm an toàn vốn và gia tăng rủi ro hệ thống của các ngân hàng tại Thái Lan. Hamid & cộng sự (2019) phân tích tác động của phát triển thị trường tài chính đến các quốc gia có hệ thống ngân hàng kép. Kết quả nghiên cứu cho thấy phát triển thị trường tài chính có tác động đến an toàn vốn của cả ngân hàng hồi giáo lẫn ngân hàng thương mại thông thường. Ngoài ra, rủi ro ngân hàng còn mang tính ngược chu kỳ, nghĩa là rủi ro ngân hàng tăng lên khi kinh tế tăng trưởng.
Tác động của chu kỳ kinh doanh đến rủi ro ngân hàng.
Rủi ro ngân hàng còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh, theo đó rủi ro ngân hàng phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng hay suy giảm kinh tế của quốc gia (Bouheni & Hasnaoui, 2017; Bikker & Metzemakers, 2005). Nghiên cứu của Apostoaie & Percic (2014) cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa rủi ro ngân hàng và chu kỳ kinh doanh. Chu kỳ kinh doanh cũng tác động đến mức độ rủi ro cũng như khả năng huy động vốn của ngân hàng (Lindquist, 2004; Van Roy, 2008). Khi kinh tế suy giảm, các khoản nợ xấu của ngân hàng có khuynh hướng tăng lên, trong khi đó khi nền kinh tế tăng trưởng các ngân hàng gia tăng các khoản vay của mình và điều này cũng sẽ gia tăng rủi ro tiềm ẩn của ngân hàng. Ngoài ra vốn của ngân hàng cũng tỷ lệ nghịch với với chu kỳ kinh doanh, nghĩa là các ngân hàng có khuynh hướng tăng vốn lên khi điều kiện kinh tế xấu đi. Nghiên cứu của Bouheni & Hasnaoui (2017) cho thấy rủi ro ngân hàng ngược chu kỳ, nghĩa là giảm xuống khi kinh tế tăng trưởng và tăng lên khi kinh tế suy thoái. Nghiên cứu Moudud-Ul-Huq (2019) cũng cho thấy chu kỳ kinh doanh tỷ lệ nghịch với vốn của ngân hàng và tỷ lệ thuận với rủi ro ngân hàng tại Bangladesh.
Như vậy, các nghiên cứu trước cho thấy phát triển thị trường tài chính và chu kỳ kinh doanh đều có ảnh hưởng đến rủi ro ngân hàng. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả kỳ vọng phát triển thị trường tài chính sẽ làm gia tăng rủi ro của các ngân hàng. Ngoài ra tác động của phát triển thị trường tài chính lên rủi ro ngân hàng còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh. Vì vậy, hai giả thuyết nghiên cứu được đưa ra để kiểm định:
Giả thuyết nghiên cứu 1: Phát triển thị trường tài chính làm gia tăng rủi ro ngân hàng.
Giả thuyết nghiên cứu 2: Chu kỳ kinh doanh có tác động tiết chế đối với mối quan hệ giữa phát triển thị trường tài chính với rủi ro ngân hàng. Nghĩa là tác động của phát triển thị trường tài chính đến rủi ro ngân hàng mạnh hơn khi kinh tế tăng trưởng.
Xem thêm Nghiên cứu đầy đủ: