BizLIVE – “Mở cửa”, TP.HCM có thể khôi phục kinh tế với giải pháp dự kiến như giấy thông hành vắc xin, cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận vắc xin, bệnh viện tư được tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19…
Nội dung được đề cập trong một dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế tại TP.HCM đang được quan tâm hiện nay, hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.
Hướng nội dung dự thảo mà BizLIVE tiếp cận đề cập tới định hướng “mở cửa” các hoạt động kinh tế. Theo đó, cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch. Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ. Thực hiện công tác quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại các giấy phép con.
Để có thể mở cửa hoạt động kinh tế, dự thảo này đề cập các giải pháp cần thực hiện ngay trong 2021.
Ban hành “giấy thông hành vắc xin”?
Một hướng được quan tâm hiện nay là giá trị của lượng vắc xin đã được tiêm cho người dân, được chứng nhận theo hai cấp độ 1 mũi và 2 mũi. Với hướng này, Sở Y tế TP.HCM sẽ cập nhật ngay thông tin vào hệ thống thông tin tiêm chủng của quốc gia, phục vụ cho việc theo dõi chứng nhận ngừa COVID-19 của sổ sức khỏe điện tử thống nhất trên cả nước, thuận tiện cho việc kiểm soát lao động trong TP và cả ở các tỉnh.
Đó cũng là một cơ sở để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xem xét giải pháp ban hành “giấy thông hành vắc xin” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn. Theo hướng này, TP.HCM tiến tới áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “giấy thông hành vắc xin” thay cho các hình thức quản lý khác như giấy đi đường, khai báo di biến động dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính…
Hướng giải pháp này có nền tảng từ độ phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi tại TP.HCM đã và đang đạt mức cao.
Cùng đó, với ứng dụng của công nghệ, TP.HCM nghiên cứu triển khai áp dụng hệ thống chữ ký số cá nhân, được phép sử dụng trong công việc, thủ tục hành chính và nội bộ cơ quan hành chính các cấp nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, sử dụng hồ sơ giấy. Giải pháp này nếu triển khai cũng sẽ thương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử.
Doanh nghiệp chủ động vắc xin, bệnh viện tư điều trị bệnh nhân thu phí?
Ở một hướng giải pháp khác đáng chú ý là TP.HCM có thể xem xét giao Sở Y tế ban hành quy trình, biện pháp xử lý đối với các F0/F1 đã tiêm vắc xin theo hướng hài hòa giữa công tác phòng chống dịch và giảm bớt gánh nặng cho công tác rà soát, cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, người lao động và doanh nghiệp hoạt động.
Cùng đó, xây dựng biểu phí và quy trình cho phép bệnh viện tư nhân được phép tiếp nhận và điều trị có thu phí bệnh COVID-19 như đối với các căn bệnh khác, để doanh nghiệp có nguồn lực và cơ sở pháp lý thực hiện hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời chia sẻ gánh nặng với khu vực y tế công.
Đề xuất kế hoạch hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 ngay sau khi TP được phân bổ lượng vắc xin cần thiết; ưu tiên tiêm mũi 2 cho lực lượng shipper, lao động trong các doanh nghiệp vận tải, logistics, các ngành dịch vụ – thương mại quan trọng (bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ cơ sở hạ tầng), các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ, chia sẻ kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng như việc sử dụng kết quả xét nghiệm thông qua các ứng dụng điện thoại, QR code…
Đề xuất về việc cho phép doanh nghiệp toàn quyền chủ động và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc tìm nguồn, tổ chức tiêm vắc xin. Sở Y tế chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ thủ tục, quy trình triển khai nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêm, khả năng miễn dịch sau khi tiêm.
Không yêu cầu doanh nghiệp triển khai các mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm
Cùng với những giải pháp trên, khi mở cửa lại các hoạt động kinh tế, TP.HCM xây dựng và ban hành quy chuẩn hoạt động các ngành nghề (lưu ý cần ưu tiên cho các ngành duy trì chuỗi cung ứng liền mạch, các loại nguyên vật liệu, hàng hóa xuất nhập khẩu… để giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp), có thể xây dựng lộ trình mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, điều chỉnh dần cho phù hợp theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị (không yêu cầu doanh nghiệp triển khai các mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm) và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng chống dịch. Khi xây dựng cần lưu ý đối tượng kinh doanh hộ gia đình, lao động tự do, đây là các đối tượng dễ bị tổn thương khi kinh tế tạm ngưng do dịch bệnh.
Đề xuất cơ chế giao địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát, tổ chức việc chấp hành quy định đối với các loại hình hoạt động không có người đứng đầu tổ chức như chợ đầu mối, chợ truyền thống…
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải tham mưu giải pháp điều phối hoạt động tại các cảng trọng yếu đối với hoạt động xuất nhập khẩu để nhanh chóng giải phóng lượng hàng tồn bãi và duy trì lưu thông hàng hóa. Rà soát các quy định hiện có, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, nội bộ TP theo hướng tháo dỡ các chốt kiểm soát không cần thiết, tăng cường kiểm soát công tác phòng chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến.
Giao Cục Hải quan TP đề xuất chuyển tối đa những thủ tục, chứng từ cho công tác xuất nhập khẩu sang hệ thống điện tử để đẩy nhanh thủ tục thông quan, phối hợp với các đầu mối như cảng tàu…, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông thương thuận lợi hơn.
Giao Sở Giáo dục Đào tạo hướng dẫn bố trí việc dạy học trực tuyến theo hướng giảm tải chương trình và cho phép giáo viên chủ động, sáng tạo, bảo đảm khả năng tiếp thu nội dung môn học, tránh việc học sinh phải online liên tục ảnh hưởng sức khỏe và cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của phụ huynh (do phải theo sát hỗ trợ suyên suốt quá trình học); chú ý các giải pháp phải tính đến gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh trong việc trang bị thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng yêu cầu học trực tuyến, đặc biệt đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Với những hướng giải pháp được tính toán, xem xét như trên, cũng như tham vấn ý kiến các chuyên gia, các tổ chức chuyên môn và chuyên ngành…, TP.HCM có thể tổ chức các công tác chuẩn bị từ các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện, cùng các doanh nghiệp và người dân chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sắp xếp kế hoạch sản xuất kinh doanh, bố trí nhân sự một cách chủ động để hướng tới khả năng áp dụng kể từ ngày 15/9/2021. Và nếu triển khai được như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thay đổi để hướng tới nỗ lực phục hồi.
Trang tổng hợp Làm kinh tế, nguồn tham khảo; https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/ky-vong-nhieu-thay-doi-neu-tphcm-mo-cua-de-phuc-hoi-kinh-te-tu-159-3569535.html