Gia-hoa-dan-so-vn
Phân tích Dân số; Già hóa dân số; Tăng trưởng kinh tế; Việt Nam; VECM.
Già hóa dân số là gì? Ảnh hưởng của già hóa dân số đến tăng trưởng kinh tế?
Già hóa dân số là gì?
Già hóa dân số là quá trình thay đổi nhân khẩu học với lượng người cao tuổi của một đất nước ngày càng gia tăng, dẫn đến cơ cấu dân số hướng dần về cấu trúc già hơn về tuổi. Một quốc gia được định nghĩa là “đang già hóa” khi tỷ lệ người 65 tuổi trở lên vượt quá 7% tổng dân số. Khi con số này lần lượt vượt quá 14% và 20%, dân số sẽ được coi là “đã già hóa” và “siêu già hóa” (UNFPA, 2011). Đôi khi, các nhà nghiên cứu sử dụng 60 làm mốc tuổi với 10%, 20% và 30% lần lượt là các mốc cho “đang già hóa”, “già hóa”, và “siêu già hóa”.
Hiện nay, già hóa dân số có thể coi là một hiện tượng toàn cầu; dân số trên toàn thế giới đang dần già đi: Nhóm dân số 65 tuổi trở lên đã gia tăng đáng kể từ năm 1960, từ khoảng 5% tổng dân số thế giới (tương đương 151 triệu người) lên đến 8.5% vào năm 2016 (gần 630 triệu người) (World Bank, 2016). Trong quá khứ, già hóa xuất hiện chủ yếu ở các nước đã phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Ý, Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ đây, nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan (UN, 2015). Nguyên nhân của hiện tượng này là sự kết hợp của các yếu tố: giảm trong tỷ lệ sinh và tử vong; gia tăng trong tuổi thọ.
Không nằm ngoài xu hướng nhân khẩu học này, mặc dù thuộc một trong số những quốc gia có tỷ lệ sinh tự nhiên cao nhưng dân số Việt Nam cũng đang trải qua quá trình già hóa, thậm chí là với tốc độ cao hơn so với các nước phát triển trước đây. Lượng người cao tuổi ở nước ta đang tăng cao, cả về mặt tương đối lẫn tuyệt đối; già hóa không chỉ xảy ra ở một số khu vực mà đang lan rộng đến khắp các vùng, các địa phương.
Việc dân số thay đổi dần hướng đến một cấu trúc nhiều người già hơn chắc chắn sẽ mang lại nhiều vấn đề và thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Đồng thời, với tốc độ già hóa ở mức cao trong khi thu nhập vẫn ở mức cận dưới của trung bình, chúng ta sẽ còn đối mặt thêm với vấn đề “già đi trước khi làm giàu”. Do đó, Chính phủ cần nhanh chóng có những chính sách ứng phó với hiện tượng già hóa dân số. Tuy nhiên, để đưa ra những chính sách phù hợp, cần sự tham khảo từ các nghiên cứu chuyên sâu về bản chất hiện tượng già hóa dân số đang diễn ra cũng như mối quan hệ cụ thể giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, cụ thể là già hóa dân số có cản trở hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam hay không. Những nghiên cứu như vậy trên bối cảnh của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Vì vậy, bằng việc lượng hóa tác động của già hóa dân số đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, bài báo sẽ cung cấp những gợi ý hữu ích cho chính phủ trong việc hoạch định chính sách kiểm soát tình trạng chuyển đổi cơ cấu dân số ở Việt Nam theo hướng tích cực.
Nghiên cứu Ảnh hưởng của già hóa dân số đến tăng trưởng kinh tế
Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu trên thế giới về hiện tượng già hóa dân số cho thấy tác động của già hóa lên tăng trưởng kinh tế của một quốc gia chưa đạt được sự thống nhất, có thể chia làm ba trường phái: Thứ nhất, một số nghiên cứu cho rằng: già hóa dân số ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất là già hóa do mức sinh ngày càng thấp sẽ dẫn đến nguy cơ thu hẹp nguồn cung lao động, gây thiếu hụt lao động, đe dọa sản lượng của nền kinh tế (Weil, 1997; Lee & cộng sự, 2011). Hơn nữa, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, theo lý thuyết vòng đời, người già thường có mức tiết kiệm thấp hơn so với người trưởng thành trong độ tuổi lao động, từ đó sẽ làm giảm tỷ lệ tiết kiệm, kéo theo giảm tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế và gây ra giảm sút trong sản lượng (Borsch-Supan, 2008; Park & Shin, 2011). Ngoài ra, một số lượng lớn người già trong nền kinh tế sẽ làm gia tăng nhiều gánh nặng: sự phụ thuộc khi số người đi làm đang dần ít đi lại phải hỗ trợ số lượng người cao tuổi nhiều hơn; gia tăng trong chi tiêu công cho các khoản lương hưu, chuyển nhượng an sinh xã hội, chăm sóc ý tế, chăm sóc sức khỏe và các khoản chăm sóc khác cho người già, từ đó tạo ra sức ép lên ngân sách quốc gia (Muto & cộng sự, 2016; Otsu & Shibayama, 2016). Các nghiên cứu ủng hộ quan điểm này có thể kể đến Hviding & Merette (1998) về bảy quốc gia OECD (bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Ý, Thụy Điển và Nhật Bản) với kết luận rằng già hóa dân số sẽ làm giảm GDP bình quân đầu người. Các nghiên cứu của Borsch-Supan (2008) đối với Đức và Park & Shin (2011) đối với 12 quốc gia đang phát triển ở châu Á hay như Muto & cộng sự (2016) cũng kết luận tương tự.
Thứ hai, một số nghiên cứu khác lại cho rằng, già hóa dân số giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Già hóa dân số không nhất thiết luôn làm giảm lực lượng lao động mà sự sụt giảm trong nguồn cung lao động đến từ già hòa dân số có thể được bù đắp bằng sự gia tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (Onofri, 2004). Việc tuổi thọ cao hơn – một nguyên nhân khác gây ra già hóa dân số – có thể khuyến khích người già kéo dài thời gian làm việc của mình, do đó họ cũng có thể đóng góp vào sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế (Bloom & cộng sự, 2010); hay phụ nữ có nhiều khả năng tham gia vào lực lượng lao động hơn do tỷ lệ sinh giảm nên có ít gánh nặng về con cái hơn (Banister & cộng sự, 2012). Những tác động tích cực từ các hành vi phản ứng đối với già hóa dân số như tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động cao hơn thậm chí đôi khi có thể vượt qua các tác động tiêu cực từ việc giảm quy mô của tổng thể lực lượng lao động, làm cho già hóa dân số có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh sản giảm hàm ý rằng cha mẹ sẽ có ít con hơn; do đó cho phép các gia đình có thể dành nhiều tài nguyên hơn và đầu tư nhiều hơn vào nguồn vốn nhân lực của con cái họ, giúp làm tăng năng suất của lực lượng lao động trẻ và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (Lee & cộng sự, 2013).
Hơn nữa, người cao tuổi còn có thể đóng góp vào vốn nhân lực và năng suất của đất nước bằng cách truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ sau (Fougere & Merette, 1999). Ngoài ra, tuổi thọ gia tăng thực chất còn có thể khuyến khích người già gia tăng các khoản tiết kiệm cho mục đích phòng ngừa cho cuộc sống về hưu dài hơn sau này (Friedlander & Klinov-Malul, 1980). Thực vậy, Fougere & Merette (1999) đã sử dụng một mô hình sửa đổi từ mô hình của Hviding & Merette (1998) và kết hợp thêm giả định tăng trưởng nội sinh để nghiên cứu tác động của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế ở bảy quốc gia OECD (Anh, Mỹ, Canada, Ý, Thụy Điển, Pháp và Nhật Bản). Kết quả cho thấy, với giả định tăng trưởng nội sinh, già hóa dân số thực sự sẽ có tác động tích cực đến GDP bình quân đầu người thực tế và do đó có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng của một nền kinh tế trong dài hạn bằng cách tạo ra nhiều đầu tư hơn vào việc hình thành vốn con người. Fukuda & Morozumi (2004) và Lee & cộng sự (2013) cũng có những nghiên cứu với kết luận tương tự.
Thứ ba, một số nghiên cứu lại cho rằng có đồng thời cả hai loại tác động, do đó câu trả lời về ảnh hưởng già hóa dân số sẽ nhất định cản trở hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn chưa được đạt được kết luận cụ thể. Aisa & Pueyo (2013) phát hiện thấy những ảnh hưởng tích cực của già hóa dân số đến từ sự “tích lũy vốn” có thể bù đắp cho những tác động tiêu cực từ “sự phụ thuộc”. Vì vậy, ảnh hưởng của già hóa đối với tăng trưởng kinh tế là không rõ ràng. Hashimoto & Tabata (2010) cũng cho thấy mối quan hệ giữa sự phụ thuộc của người cao tuổi và tốc độ tăng trưởng kinh tế là không đơn điệu và việc tăng tỷ lệ phụ thuộc tuổi già chỉ có thể tác động xấu đến tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người ở các quốc gia có mức độ phụ thuộc tuổi già đủ cao. Trong khi đó, bằng việc sử dụng mô hình Solow tân cổ điển và tiến hành kiểm nghiệm sự đồng tích hợp trong dữ liệu của nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 1978-2012, Li & Zhang (2015) nhận thấy rằng: già hóa dân số trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc trong khi về lâu dài, tác động của nó sẽ là tích cực. Do đó, kết quả của họ đã hỗ trợ cho tuyên bố rằng già hóa dân số tạo ra cả tác động tiêu cực và tích cực đến tăng trưởng kinh tế của một quốc giá. Ngoài ra, Prettner (2013) và Guo & cộng sự (2016) cũng có những nghiên cứu ủng hộ trường phái này.
Việc các nghiên cứu trên thế giới chưa đưa ra được kết luận thống nhất hàm ý rằng cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn về già hóa dân số ở nhiều cấp độ và nhiều môi trường khác nhau để hiểu rõ hơn về về mối quan hệ của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế; nhất là khi nghiên cứu về các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam vẫn còn mỏng. Do đó, nghiên cứu của nhóm tác giả nhằm đánh giá tác động của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ góp phần bổ sung cho vấn đề này.
Phương pháp nghiên cứu : Phân tích chi tiết
Dân số, Già hóa dân số, Tăng trưởng kinh tế, Việt Nam, VECM.