Thể chế quản trị là gì?
1 Mối quan hệ nhân quả giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế
Từ cuối thế kỷ XX, giới học giả bắt đầu quan tâm nghiên cứu bản chất của mối quan hệ giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế ở cấp quốc gia. Đến nay, cả hai hướng phát triển của mối quan hệ nhân quả giữa các biến số này đều nhận được sự ủng hộ trong các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm. Đặc biệt, các nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa thể chế và tăng trưởng kinh tế ở cấp địa phương dường như mang lại những kết quả đáng tin cậy hơn, với rất nhiều công trình được thực hiện cả ở các nước phát triển và đang phát triển (Hasan & cộng sự, 2009; Nakabashi & cộng sự, 2013; Wilson, 2016).
Nhìn chung, đa phần các nghiên cứu đưa đến kết luận là chất lượng thể chế quản trị có vai trò tích cực đối với tăng trưởng kinh tế địa phương trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, một số phát hiện về chiều hướng ngược lại của mối quan hệ giữa thể chế quản trị với tăng trưởng cho thấy nhu cầu cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này. Bên cạnh vấn đề phương pháp kiểm định, sự mâu thuẫn về chiều hướng của mối quan hệ có thể xuất phát từ thước đo chất lượng thể chế quản trị được sử dụng trong nghiên cứu hoặc bối cảnh nghiên cứu cụ thể.
Bài viết này được phát triển trên cơ sở các kết quả đã đạt được từ công trình của Lê Quang Cảnh & Đỗ Tuyết Nhung (2018), sử dụng chỉ số thể chế quản trị của các tỉnh/thành phố (sau đây gọi tắt là tỉnh) được xây dựng từ hai bộ dữ liệu PAPI và PCI trong nghiên cứu của Đỗ Tuyết Nhung & Lê Quang Cảnh (2020), từ đó làm cơ sở tìm hiểu mối quan hệ nhân quả giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế địa phương cấp tỉnh, cũng như lượng hóa tác động tổng thể và trên từng khía cạnh của thể chế quản trị tới tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Tiếp nối phần giới thiệu, phần 2 trình bày tổng quan nghiên cứu; phần 3 mô tả về phương pháp nghiên cứu; phần 4 đề cập đến các kết quả nghiên cứu và thảo luận; phần 5 đưa ra kết luận và khuyến nghị chính sách.
2 Tổng quan nghiên cứu
Vai trò của chất lượng thể chế đối với tăng trưởng kinh tế đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trong hơn hai thập kỷ qua. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, các mô hình tăng trưởng tân cổ điển và tăng trưởng nội sinh được cho là thất bại trong việc giải thích sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia dựa trên tích lũy vốn hay tiến bộ công nghệ (Asghar & cộng sự, 2015).
Bởi vậy, khi kinh tế học thể chế ra đời và phát triển, như một gợi ý về hướng giải thích nguồn gốc của tăng trưởng, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã cố gắng mở rộng các mô hình tăng trưởng tân cổ điển hoặc tăng trưởng nội sinh bằng cách đưa vào đó yếu tố thể chế trong việc xem xét ảnh hưởng của chúng đến tăng trưởng dài hạn (Acemoglu & cộng sự, 2001; Rodrik & cộng sự, 2004). Sihag (2007) cho rằng nhờ sự pha trộn của những hiểu biết sâu sắc từ các nghiên cứu về thể chế với những lý thuyết tăng trưởng nội sinh và tân cổ điển, mà chúng ta có thể đạt được cách tiếp cận thực tế hơn để hiểu được quá trình tăng trưởng kinh tế.
Thể chế quản trị – một cấp bậc của thể chế theo phân loại của Williamson (1998) – được giới nghiên cứu quan tâm nhiều hơn cả do hàm ý chính sách cao mà các kết quả nghiên cứu có thể mang lại cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế (Kaufmann & Kraay, 2003; Kurtz & Schrank, 2007; Wilson, 2016). Các thước đo thể chế quản trị đã phát triển mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương, trong đó các học giả cũng chỉ ra những lợi thế thực nghiệm của việc sử dụng số liệu cấp vùng/tỉnh, đặc biệt là nguồn gốc của sự thay đổi thể chế có thể được xác định và so sánh dễ dàng hơn so với phân tích giữa các quốc gia (Nakabashi & cộng sự, 2013).
Sự phát triển của các loại chỉ số thể chế quản trị địa phương như PCI, PAPI, PAR index, JUPI, ICT index, SIPAS, PACA…ở Việt Nam cũng nằm trong xu thế này, nhưng mỗi chỉ số hiện nay chỉ tập trung vào một góc độ đánh giá cụ thể và chưa thể hiện đầy đủ, toàn diện các khía cạnh thể chế quản trị địa phương ở Việt Nam. Với hạn chế này, nghiên cứu của Đỗ Tuyết Nhung & Lê Quang Cảnh (2020) đã đề xuất việc gộp dữ liệu của PAPI và PCI để xây dựng nên một thước đo bao hàm đầy đủ các khía cạnh của thể chế quản trị các tỉnh Việt Nam.
Song song với sự phát triển mạnh mẽ của các thước đo thể chế quản trị, mối quan hệ nhân quả giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế trở thành chủ đề tranh luận của giới nghiên cứu trong nhiều năm qua. Một mặt, North (1990) lập luận rằng thể chế có thể được xem như là một thành phần quyết định vào các quỹ đạo khác nhau của sự phát triển, trì trệ hoặc suy giảm. Kaufmann (2005) khẳng định một khối lượng đáng kể các nghiên cứu thực nghiệm cho rằng thể chế quản trị là nguyên nhân nhiều hơn là kết quả của tăng trưởng.
Mặt khác, lý thuyết về thể chế cũng cho rằng phát triển kinh tế có thể nâng cao hiệu quả tương đối của các cơ chế quản trị chính thức (Dixit, 2003). Wilson (2016) chỉ ra một số nghiên cứu cho kết luận rằng chất lượng thể chế quản trị không bắt buộc là điều kiện cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển ban đầu, thay vào đó cải thiện thể chế quản trị có thể là kết quả của tăng trưởng kinh tế.
Các chiều hướng tác động khác nhau như vậy cũng xảy ra ở các nghiên cứu cấp địa phương, vốn có nhiều lợi thế về độ chính xác của các thước đo thể chế quản trị hơn so với cấp quốc gia, như đã trình bày ở trên. Kết quả của một số nghiên cứu ủng hộ chiều tác động từ thể chế tới tăng trưởng (Hall & Sobel, 2008; Hasan & cộng sự, 2009), một số cho thấy chiều tác động ngược lại (Wilson, 2016), và một số chứng minh tính nội sinh của thể chế trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế (Nakabashi & cộng sự, 2013).
Các nghiên cứu về thể chế ở Việt Nam trong những năm gần đây hầu như đều khẳng định thể chế yếu kém là rào cản của tăng trưởng kinh tế hoặc các nguồn có thể dẫn tới tăng trưởng. Theo tổng hợp của Lê Quang Cảnh & Đỗ Tuyết Nhung (2018), đa phần các nghiên cứu này mang tính chuyên gia tư vấn và chưa có kiểm chứng thực nghiệm cho bối cảnh Việt Nam, hoặc mới nhìn nhận vấn đề thể chế trên những góc độ riêng lẻ, thiếu tính tổng hợp, hoặc chỉ nghiên cứu một kênh truyền dẫn ảnh hưởng của thể chế đến sự tăng trưởng của nền kinh tế như năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Công trình của Lê Quang Cảnh & Đỗ Tuyết Nhung (2018) có thể coi là nghiên cứu tiên phong về ảnh hưởng trực tiếp của thể chế quản trị tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu này còn một số hạn chế như: chưa kiểm định rõ ràng mối quan hệ nhân quả giữa thể chế và tăng trưởng, chưa phân tích đầy đủ tác động tổng thể cũng như của từng khía cạnh thể chế quản trị tới tăng trưởng kinh tế, đồng thời phương pháp đánh giá tác động của thể chế đến tăng trưởng kinh tế trong nghiên cứu này dường như chưa thật sự kiểm soát vấn đề nội sinh của các yếu tố thể chế.
Như nhận định của Nakabashi & cộng sự (2013), nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu cấp địa phương liên quan đến mối quan hệ giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế mới chỉ ở những bước đầu. Một nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này, sử dụng những thước đo và phương pháp mới, có thể cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế địa phương tại một quốc gia đang phát triển và trong thời kỳ chuyển đổi, cũng như đóng góp những gợi ý chính sách liên quan đến thể chế và tăng trưởng kinh tế trong thực tiễn Việt Nam.
3 Phương pháp nghiên cứu (tt)
Phương pháp kiểm định mối quan hệ nhân quả giữa thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế.
CHẤT LƯỢNG THỂ CHẾ QUẢN TRỊ ĐỊA PHƯƠNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CẤP TỈNH CỦA VIỆT NAM Đỗ Tuyết Nhung Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Email: [email protected] Lê Quang Cảnh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Email: [email protected] Từ khóa: Địa phương cấp tỉnh, tăng trưởng kinh tế, thể chế quản trị, Việt Nam Sub-national governance quality and economic growth in Vietnam Keywords: Sub-national, economic growth, governance, Vietnam File PDF tham khảo