Chương 1
Bảy bài học khi lập nghiệp
Bài học 1: Vận mệnh là chú chim ưng lưu lạc trong ổ gà
Bàn về cuộc đời, thành hay bại đều ở tại tâm. Nói một cách đơn giản, cho dù là con nhà quyền quý hay nghèo khó, là dân chợ búa hay thương gia giàu có, ai cũng quyết định bước vào đời bằng quan điểm của chính mình và giải thích cuộc đời của họ là thành công, thất bại hay do vận mệnh. Có một câu danh ngôn kinh điển trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục đã giải thích rất rõ mối quan hệ tác động qua lại giữa tư tưởng và vận mệnh: “Gieo hạt tư tưởng, thu hoạch hành vi, gieo hạt hành vi, thu hoạch thói quen, gieo hạt thói quen, thu hoạch tính cách, gieo hạt tính cách, thu hoạch vận mệnh”. Và cuộc đời của chàng thanh niên Lưu Bị xuất thân nghèo khó là minh chứng cho câu danh ngôn kinh điển kia.
Lưu Bị là một học sinh của thành phố Trác Châu tỉnh Hà Bắc. Vì cha mất sớm, hai mẹ con rau cháo qua ngày nên cuộc sống vô cùng khốn khó. Một đêm mùa đông năm Lưu Bị lên lớp 12, sau khi tan buổi tự học tối ở trường về, thấy mẹ vẫn ngồi khâu giày dưới ánh đèn leo lét, cậu xót xa nói:
– Mẹ à, trời rét mướt thế này, mẹ nên ngủ sớm đi!
Mẹ đáp:
– Sang năm con thi đại học rồi. Mẹ khâu thêm một đôi giày nữa là có thể bán được thêm 10 đồng, để cho con đóng học phí đại học.
Lưu Bị ngồi trước mẹ, sống mũi cay cay, nước mắt sắp trào ra. Cậu nghẹn ngào:
– Mẹ, học đại học tốn nhiều tiền lắm. Nhà mình nghèo quá, chút tiền này thì làm được gì chứ? Thôi mẹ đừng trông mong làm gì!
Mẹ Lưu Bị nghe vậy, đôi vai run run, hỏi cậu:
– Lẽ nào con định sống cả đời nghèo đói sao?
Cậu nói mà lòng chua xót:
– Thì còn cách nào nữa ạ? Có lẽ số trời đã định vậy rồi mẹ ơi.
Người mẹ bỏ kim chỉ xuống, nhìn con trai, nói:
– Mẹ hồi nhỏ từng đọc “Tam tự kinh”, cũng biết suy luận đôi chút. Số trời đã định mà con nói, rốt cuộc là ở lúc ban đầu hay về sau này của đời người đây? Mẹ kể cho con một câu chuyện, biết đâu sẽ giúp con tìm ra đáp án.
Một quả trứng chim ưng lăn ra khỏi tổ rơi xuống đống cỏ. Có người thấy tưởng là trứng gà, đem về nhà, bỏ vào trong ổ gà. Trong ổ, có một con gà mẹ đang ấp trứng, rồi quả trứng chim ưng cũng nở ra như bao quả trứng gà khác. Thế là từ nhỏ chú chim ưng đã bị coi là gà và sống một cuộc sống như gà. Vì dung mạo quái dị nên nó bị rất nhiều bạn bắt nạt. Nó cảm thấy cô độc và đau khổ. Một ngày nọ, nó đang mổ thóc trên cánh đồng với đàn gà, bỗng nhiên có một bóng đen từ phía núi xa bay vụt tới, đàn gà sợ hãi nháo nhác tìm chỗ trốn. Đến khi nguy hiểm đã qua, cả bọn mới thở phào nhẹ nhõm. “Lúc nãy là loại chim gì vậy?”, nó hỏi. Đàn gà nói: “Đó là chim ưng, một loại chim thượng đẳng”.
“Ồ, con chim ưng đó thật giỏi giang, thả sức bay lượn trên trời!”, nó thán phục. “Nếu như có một ngày mình cũng bay được như chim ưng thì tốt biết bao!”
“Đúng là loại ngu dốt hay mơ hão!”. Đám gà mắng nó không chút nể nang: “Mày sinh ra đã là một con gà, thậm chí còn khiến cả bầy cảm thấy mất mặt vì sự xấu xí của mình, sao mày có thể bay như chim ưng được chứ?”
Kể xong, mẹ hỏi Lưu Bị:
– Con trai à, cái gọi là vận mệnh chính là chú chim ưng lưu lạc trong ổ gà. Bây giờ con muốn chọn một cuộc sống như những chú gà hay cất cánh tung bay như chim ưng?
Lưu Bị ngây ra rồi hỏi mẹ:
– Mẹ cho rằng con là chú chim ưng bé nhỏ bất hạnh phải lưu lạc trong ổ gà kia?
Người mẹ quả quyết:
– Đúng vậy, con thuộc nòi chim ưng, con nên bay lên bầu trời xanh vốn thuộc về con, không nên than thở vì vài ba hột thóc trước mắt.
Bà nói với Lưu Bị rằng ông nội của ông nội của ông nội cậu là Lưu Thắng, con của Hán Cảnh Đế, từ đó truy ngược lên, cậu thực ra chính là hậu duệ của Hán Cao Tổ Lưu Bang, có dòng máu hoàng tộc một cách đường đường chính chính.
Lập tức tỉnh ngộ, Lưu Bị nói với mẹ quả quyết:
– Mẹ, con đã hiểu ý mẹ, nhất định con sẽ không phụ lòng mong mỏi của mẹ!
Cuối cùng, nhờ miệt mài đèn sách, năm sau đó Lưu Bị thi đỗ vào trường Đại học Quản trị Kinh doanh Quốc tế Trường Giang. Ngày nhận giấy gọi, hai mẹ con mừng mừng tủi tủi, đóng cửa lại rồi ôm nhau khóc.
Bài học 2: Tự giúp mình thì trời giúp
Cái tên “Đại học Quản trị Kinh doanh Quốc tế Trường Giang” bắt nguồn từ lời đề từ trong “Tam Quốc diễn nghĩa” – tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc: “Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông”. Đây là một trường nổi tiếng thế giới, từng đào tạo biết bao bậc anh hùng hào kiệt xưa nay. Lưu Bị được trở thành sinh viên của trường này thật khiến người ta tha hồ liên tưởng về một tương lai xán lạn.
Ông chú Lưu Nguyên Khởi biết cháu mình sau này sẽ có tiền đồ, bèn tới bảo với chị dâu:
– Cháu nó coi như đã làm anh nhà mát lòng nơi chín suối. Còn chị ở vậy bao năm, cuộc sống cũng thật khó khăn. Thôi, từ giờ học phí của nó để em lo!
Ông chú mở một cửa hàng nhỏ, thường ngày ông nhập hàng về cho vợ bán, cũng gọi là có chút vốn liếng.
Cả Lưu Bị và mẹ đều cảm thấy vừa vui mừng vừa kì lạ. Mừng vì khoản học phí tốn kém cuối cùng cũng lo được; lạ vì xưa nay ông chú luôn chê nghèo ham giàu, hết sức lạnh nhạt với bà chị dâu và đứa cháu nghèo, giờ sao lại tự dưng hào phóng mở túi tiền giúp đỡ nhiệt tình thế chứ?
Ông chú cười ha hả giải thích:
– Tục ngữ có câu “Kẻ tự giúp mình thì trời giúp vậy”. Trời còn sẵn lòng giúp cháu ta, huống hồ ta là chú nó!
Tự giúp mình thì trời giúp? Lưu Bị chợt thấy tim mình đập thình thịch. Từ khi vào đại học, đến khi tốt nghiệp, rồi mỗi lần gặp khó khăn, cậu lại một lần trăn trở và hỏi trời xanh: Tự giúp và trời giúp rút cuộc có quan hệ gì với nhau? Và cậu tự đưa ra những đáp án sau:
1. Người thật sự tự giúp mình là người biết giác ngộ khiến người khác kính phục. Anh ta sẽ coi thường khó khăn và những khó khăn trước mặt anh ta sẽ phải lùi bước khiến người khác ngỡ ngàng – quá trình ấy thật như có trời giúp vậy.
2. Người thật sự tự giúp mình như con đom đóm phát sáng trong đêm, không chỉ làm sáng bản thân mà còn giành được sự yêu mến của mọi người. Khi người ta đã yêu mến ai đó, họ thường thể hiện ra dưới hình thức giúp đỡ – vận tốt cũng vì vậy mà tới.
3. Mọi người tin rằng một người thực sự tự giúp mình cuối cùng sẽ đạt được thành công, và những người đã từng giúp đỡ anh ta cũng vì thế mà cảm thấy hạnh phúc.
4. Nếu người tự giúp mình là người ân nghĩa, mọi người sẽ giúp đỡ anh ta nhiều hơn nữa, vì thế anh ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi đối mặt với khó khăn phía trước.
Lưu Bị đã vận dụng câu danh ngôn mang đậm màu sắc thần thoại này bằng cách lí giải của riêng mình, song lần nào cũng đúng. Thấy Lưu Bị nhà nghèo mà vẫn nỗ lực học tập, nhà trường đã giúp cậu bằng rất nhiều cách, như giảm học phí, cấp học bổng, rồi tạo cả cơ hội cho cậu đi làm thêm. Cho đến tận năm thứ tư khi tốt nghiệp, bất giác ngoảnh lại nhìn quãng thời gian đã qua, cái nghèo đã từng đeo bám làm cậu khốn khổ nay như màn đêm lặng lẽ mờ dần nhường chỗ cho ánh bình minh.
Bài học 3: Lòng yêu thương sẽ tạo dựng hạnh phúc
Nhà kinh tế học nổi tiếng Lư Thực là người đã dạy Lưu Bị bài học thứ ba về cuộc đời, khi cậu vừa chân ướt chân ráo bước chân vào giảng đường đại học.
Thầy Lư Thực mỉm cười bước lên bục giảng, đón chào các tân sinh viên và nói:
– Là một giảng viên, tôi hy vọng sẽ trở thành một mentor (thầy tốt bạn hiền) để chỉ dẫn, giúp đỡ các em. Còn có thật sự thành tài hay không, điều đó dựa vào năng lực nhận thức và đam mê theo đuổi của chính các em.
Thầy Lư Thực nói với các sinh viên rằng những gì học được trong bốn năm đại học không chỉ là kiến thức trong sách vở, càng không phải để kiếm một tấm bằng, mà là phải đạt được một vision (tầm nhìn xa rộng) cùng một phương thức tư duy logic.
– Có ai ở đây từng chơi chọi dế chưa? Thầy bất chợt hỏi.
Một sinh viên nam tên là Công Tôn Toán đáp:
– Em chơi rồi, hay lắm ạ.
Một sinh viên nữ tên là Sái Văn Cơ nói:
– Em biết rồi, dế còn có cái tên mĩ miều là “Xúc chức”, cha em bảo chọi dế khiến người ta ham mê mà mất đi ý chí.
Thầy Lư Thực nói:
– Có người bảo chọi dế khiến người ta ham mê mà mất đi ý chí, cũng có người cho rằng dế mang lại cho chúng ta niềm vui trong sáng thời thơ ấu. Ở đây, ta không bàn chơi dế tốt hay xấu, mà có mục đích khác. Tôi sẽ kể cho các em câu chuyện về một nhà côn trùng học với một con dế và một nhà buôn – bạn của nhà côn trùng học với một đồng xu. Hy vọng câu chuyện sẽ đem lại cho các em những gợi mở…
Theo những động tác và giọng kể đẩy lôi cuốn của thầy Lư Thực, chiếc hộp bí mật về câu chuyện của thầy dần hé mở:
Một nhà côn trùng học cùng bạn là một nhà buôn vừa đi vừa trò chuyện trong công viên. Bỗng nhiên nhà côn trùng học dừng bước, dường như ông ta nghe thấy điều gì.
“Sao vậy?” Ông bạn nhà buôn hỏi.
Nhà côn trùng học vui mừng thốt lên: “Anh có nghe thấy không? Một con dế đang gáy, hơn nữa đó là một con dế cụ đấy”.
Ông bạn lắng tai nghe mãi không ra, đành đáp: “Tôi chẳng nghe thấy gì cả!”. “Anh đợi chút”, nhà côn trùng học vừa nói vừa nhẹ bước vào lùm cây gần đó. Một lát sau, nhà côn trùng học tìm thấy một chú dế to, quay trở ra nói với bạn: “Anh thấy không? Một con dế răng trắng, cánh lớn màu vàng tím, đây quả là một chú dế thượng đẳng! Thế nào, tôi không nghe nhầm chứ?”.
“Đúng vậy, anh không nghe nhầm.” Nhà buôn ngạc nhiên hỏi bạn: “Anh không chỉ nghe được tiếng dế gáy mà còn biết được loại dế. Làm sao mà anh nghe ra được thế?”.
Nhà côn trùng học đáp: “Dế loại to tiếng gáy chậm rãi, có khi mấy tiếng đồng hồ mới gáy vài ba tiếng. Dế nhỏ tần suất gáy nhanh hơn và gáy cũng nhiều hơn. Dế có màu sắc khác nhau như dế đen, dế tím, dế đỏ, dế vàng… tiếng gáy cũng khác nhau. Ví dụ như tiếng gáy của dế vàng có âm của kim loại. Giữa các tiếng gáy đều có những sự khác biệt vô cùng tinh tế, thậm chí không thể dùng ngôn từ để diễn tả được, anh phải thật để tâm mới nhận ra được.”
Họ vừa trò chuyện vừa ra khỏi công viên và đi trên vỉa hè của con phố tấp nập. Bỗng nhiên, nhà buôn dừng bước, cúi xuống nhặt lên một đồng xu rơi trên mặt đất. Trong khi đó, nhà côn trùng học không hề nghe thấy tiếng đồng xu rơi, vẫn phăm phăm bước tiếp.
– Câu chuyện đó nói lên điều gì? Thầy Lư Thực hỏi.
Cả lớp suy nghĩ, không có ai trả lời. Đợi một lúc, thầy Lư Thực đưa ra đáp án:
– Nhà côn trùng học chỉ để tâm đến côn trùng nên nghe được tiếng dế gáy. Nhà buôn chỉ để tâm đến tiền, vì thế ông ta nghe được tiếng kêu của đồng xu. Câu chuyện này nói lên rằng bạn để tâm vào đâu, tiền tài của bạn ở đó.
Thầy Lư Thực nói tiếp:
– Sau bốn năm đèn sách, các em cũng sẽ phải lăn lội kiếm tiền. Hãy nghĩ thật kỹ, cái gì là tài sản của các em. Để tâm đến tài sản của các em thì các em sẽ có được nó. Để giúp mọi người hiểu rõ thêm, chúng ta hãy cùng làm một thực nghiệm.
Thầy đưa ra một hộp giấy lớn đầy cát, vừa đưa cho lớp xem vừa nói:
– Trong hộp cát này trộn mạt sắt, các em có thể dùng mắt hay ngón tay để lấy mạt sắt ra không?
Cả lớp lắc đầu.
– Chúng ta không thể nào dùng mắt hay ngón tay để lấy mạt sắt ra khỏi cát, nó cũng khó như việc chúng ta tìm được khách hàng giữa muôn triệu người. Tuy nhiên, có một loại công cụ có thể giúp ta nhanh chóng lấy mạt sắt ra khỏi cát. Mọi người chắc cũng đã nghĩ ra rồi, đó chính là nam châm.
Thầy Lư Thực lấy trong túi ra một thanh nam châm, rà qua rà lại trên mặt cát, xung quanh thanh nam châm nhanh chóng bám đầy những mạt sắt lởm chởm như đầu mũi tên. Thầy Lư Thực giơ đám mạt sắt lên cho cả lớp xem, nói:
– Đó là sức hút của nam châm, việc chúng ta không thể làm được bằng mắt hay ngón tay thì với nam châm điều đó lại vô cùng dễ dàng.
Cả lớp tròn xoe mắt chăm chú nhìn kì tích trên tay thầy Lư Thực mà thực ra mình đã thấy nhiều lần. Thầy Lư Thực nói:
– Nếu nói hộp cát này là cuộc sống mà chúng ta phải đối mặt, là những cuốn sách khô khan, khó hiểu, thì khối nam châm chính là trái tim tràn đầy tình yêu. Tâm ở đâu, tài sản của các em sẽ ở đó. Nếu như các em có một trái tim đầy tình yêu, trái tim ấy sẽ tìm kiếm trong sách vở và trong cuộc sống rất nhiều tri thức bổ ích cho các em, tựa như nam châm hút mạt sắt vậy. Song, một trái tim không biết yêu thương thì cũng như ngón tay mà thôi, dù có bới tìm trong cát thế nào đi nữa cũng chẳng thể tìm được một chút mạt sắt. Lẽ nào lại không phải vậy? Các em ạ, chỉ cần có một trái tim tin yêu cuộc sống, các em sẽ nhận thấy rằng mỗi ngày chúng ta đều có thu hoạch, đều có tích lũy và đều có niềm vui.
Thầy Lư Thực vừa giảng vừa để sinh viên lần lượt làm thí nghiệm nam châm với hộp cát. Thầy đưa tay lên khẳng định, giọng sang sảng:
– Tâm ở đâu, tài sản của các em sẽ ở đó. Bất kể sau này có gặp phải khó khăn, nghịch cảnh hay hoang mang thế nào cũng cần tin vào điều đó. Bất kể ở đâu, khi nào, chỉ cần có trái tim yêu thương thực sự, các em sẽ như thanh nam châm kia thu hút được những tài nguyên hữu ích, những điều tốt đẹp và một cuộc sống hạnh phúc.
Bài học 4: Làm một người được yêu mến
Mới vào học được một tuần, Lưu Bị đã bị gọi lên phòng quản lý sinh viên để nhắc nhở vì đánh nhau trong phòng. Vừa hay thầy Lư Thực đi qua, thầy nhìn Lưu Bị một lúc rồi hỏi thầy bên quản lý sinh viên:
– Cậu này phạm lỗi gì vậy?
Thầy kia trả lời:
– Các bạn cùng phòng báo cáo cậu này rất thích cà khịa người khác. Vào trường có mấy hôm mà đã đánh nhau ba lần rồi. Anh xem cậu ta kìa, tóc với chả tai dựng ngược hết cả lên, có gớm không?
Thầy Lư Thực nói:
– Tôi biết cậu sinh viên này, anh để cậu ta cho tôi!
Lưu Bị theo thầy Lư Thực đến văn phòng. Thầy Lư Thực bảo Lưu Bị ngồi rồi đưa cho một chén trà, lòng Lưu Bị lúc đó cũng nóng như chén trà ấy.
– Nói cho thầy biết, rốt cục đã xảy ra chuyện gì? Thầy Lư Thực hỏi.
Lưu Bị ấm ức trả lời:
– Chúng nó không coi em ra gì, cứ cố ý gây khó dễ với em.
– Vì sao các bạn lại gây khó dễ với em? Thầy Lư Thực hỏi tiếp.
Lưu Bị gãi đầu đáp:
– Chúng nó gọi em là đồ nhà quê. Mà thực ra phòng em bảy đứa thì cả bảy đều xuất thân từ nông thôn, chúng nó dựa vào cái gì mà coi thường em chứ?
Thầy Lư Thực đã hiểu chuyện gì xảy ra. Thầy nhìn Lưu Bị bằng ánh mắt chân thành, nói:
– Nếu em không ngại, tôi sẽ kể cho em một câu chuyện.
Lưu Bị đồng ý, thầy Lư Thực bắt đầu kể câu chuyện về một chú chó. Có một chú chó tên là Cô Độc vô tình lạc vào phòng tập của một trường đào tạo người mẫu. Bốn bức tường của căn phòng đều có lắp gương, hình ảnh của chú chó vì vậy mà được phản chiếu trên khắp các tấm gương lắp quanh phòng. Thấy một đàn chó đột nhiên xuất hiện, chú chó Cô Độc giật mình lùi lại theo bản năng, nhe răng ra sủa ông ổng. Đàn chó trong gương cũng cùng nhau lùi lại, con nào cũng nhe răng ra sủa, khắp phòng vang lên tiếng chó sủa. Chú chó bắt đầu hoảng sợ, nó kháng cự lại, lăn lộn, vùng vẫy… Nó nhảy chồm chồm khắp phòng, mỗi lúc một điên cuồng… cho tới khi bất tỉnh vì mệt mỏi và tuyệt vọng.
Lưu Bị thấy khó hiểu liền hỏi:
– Thầy bảo em là chú chó Cô Độc kia ư?
Thầy Lư Thực hỏi lại:
– Vậy em nói xem?
Lưu Bị nói:
– Tính em đúng là hơi khó gần. Nhưng bạn cùng phòng thì can hệ gì tới bóng chú chó trong gương?
Thầy Lư Thực đáp:
– Lẽ nào em chưa hiểu sao? Trong mắt em, bạn cùng phòng chính là bóng chú chó trong gương đấy. Hãy nhớ, nếu ta đối tốt với người, người sẽ đối tốt với ta. Nếu ta khinh thường người, người sẽ trả đũa lại ta. Em nói các bạn không coi em ra gì, vậy em coi họ thế nào?
Lưu Bị im thin thít.
– Em muốn trở thành một người được mọi người yêu mến, đúng không? Cãi nhau và đánh lộn có giúp em thành người được yêu mến không? Không thể.
Thầy Lư Thực mỉm cười, nói:
– Tôi có một bí quyết, chỉ cần em tin theo, đảm bảo trong vòng ba tháng em sẽ trở thành một người được mọi người yêu mến.
Về phòng, Lưu Bị lập tức chép một cách cẩn thận “Bí quyết được yêu mến” lên trang đầu sổ tay:
Thứ nhất: Hàng ngày phải tập mỉm cười trước gương.
Thứ hai: Gặp bạn là chào thân mật.
Thứ ba: Chủ động giúp người khác với tấm lòng chân thành.
Thứ tư: Con người đâu phải thần thánh, ai mà chẳng có lỗi lầm. Hãy đối xử với mọi người xung quanh bằng tấm lòng khoan dung, thông cảm.
Thứ năm: Luôn tin tưởng vào triết học về quan hệ cộng đồng rằng: Đối xử tốt với người là đối xử tốt với chính mình.
Từ đó, Lưu Bị nghe lời thầy Lư Thực và thành thực làm theo. Chẳng lâu sau, cậu thành người được bạn bè quý mến nhất, người có duyên nhất, người khiêm tốn và thân thiện nhất. Trong “Tam Quốc chí”, Trần Thọ đánh giá: “Tiên chúa (Lưu Bị) là người khoan dung, đôn hậu, biết cách đối đãi nhân sĩ, thực có cốt cách của Cao tổ (Lưu Bang) và tinh thần của bậc anh hùng”. Ý muốn nói rằng, Lưu Bị sở dĩ có thể trở thành bậc anh hùng trong giới công thương chủ yếu là do Lưu Bị đãi người chân thành, khoan dung độ lượng, giàu tình cảm. Nhờ tính cách này, Lưu Bị đã trở thành cậu học sinh được thầy yêu bạn mến. Ngay cả trong những ngày khởi nghiệp gian nan sau này, dù khó khăn gian khổ thế nào, dù chịu bao lênh đênh sóng gió, Lưu Bị vẫn có người tài nguyện theo bên mình. Trong số ấy nổi tiếng nhất là Quan Vũ và Trương Phi, hai người đã cùng Lưu Bị kết nghĩa kim lan “Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày”.
Bài học 5: Điều kì diệu bên trong vỏ trứng
Học kì đầu năm thứ tư, sắp đến ngày thi giữa kì, Lưu Bị vô tình gặp thầy Lư Thực đang mua rau ở siêu thị trong trường, cậu rất muốn lại gần bắt chuyện với thầy. Khi đó, thầy Lư Thực đã nghỉ dạy và làm Tổng giám đốc cho một công ty của nhà trường. Lưu Bị chủ động bước tới và xách đồ giúp thầy. Họ cùng nhau rời siêu thị và đi về nhà thầy Lư Thực. Đến trước cửa nhà, thầy Lư Thực nói:
– Vào nhà tôi đi, cùng nấu cơm ăn cho vui!
Lưu Bị do dự mấy giây, mặt đỏ lựng, khẽ gật:
– Dạ vâng!
Lưu Bị vừa nhặt rau, làm việc nhà vừa trò chuyện cùng thầy Lư Thực. Lưu Bị nói về gia đình, về mẹ, về chuyện chú chim ưng và về công việc mà cậu sắp phải đối mặt sau khi ra trường.
Thầy Lư Thực nói:
– Bất kể là gà con hay ưng non, em có biết chúng được nở ra như thế nào không?
Lưu Bị lắc đầu.
– Từ một quả trứng trở thành một sinh mệnh, đó là một kỳ tích!
Thầy Lư Thực cầm một quả trứng gà lên, nói:
– Em có thể tưởng tượng đây là quả trứng chim ưng – ta đập nó ra, em hãy nhìn vào bên trong, nói chung là không hề thấy hình dạng của lông, mắt hay chân. Cái khiến người ta không thể tin được là trong đám hỗn độn đó lại ẩn chứa điều kì diệu của sự sống. Đặt nó vào môi trường ấm, qua một thời gian thích hợp, nó sẽ biến thành một chú chim ưng non đáng yêu.
Thầy Lư Thực quay đầu lại nhìn sinh viên của mình, nói một cách thâm thúy:
– Con người cũng vậy. Tiềm năng của một người phải trải qua bồi dưỡng mới trở thành tài hoa và ưu điểm để người khác đánh giá cao. Bốn năm đại học đã qua, em như chú chim ưng non trong trứng, nay chuẩn bị phá vỏ chui ra, một thế giới hoàn toàn mới đang chờ đón em đó!
Lưu Bị nói:
– Đúng vậy, em là chú ưng non bay tới từ cánh đồng Trác Châu, Hà Bắc, qua bốn năm học tập trong vỏ trứng Đại học Trường Giang, giờ lại sắp phải đối mặt với cuộc sống mới đây!Bài
Bài học 6: Dồn hết tâm sức
Sinh viên năm tư hầu như ai cũng lo lắng tìm việc làm hoặc chuẩn bị thi cao học, người nào cũng bận rộn và mang tâm lý hoang mang. Lưu Bị cũng vậy, sắp đến kỳ nghỉ đông mà chuyện việc làm vẫn không chút tiến triển nào.
Một buổi chiều thứ bảy, khi vừa trở về từ hội chợ việc làm, Lưu Bị ngồi ngây trong sân trường. Cậu đã tham dự biết bao hội chợ việc làm với các tên gọi khác nhau, đã nộp đến hàng trăm lá đơn xin việc, song chẳng hề có chút hi vọng gì. Bất giác cậu để ý cách cậu chừng trăm mét có một hố cát, một bé trai đang rải cát làm đường. Cạnh hố cát là một số xe hơi đồ chơi.
Cậu bé cầm chiếc xẻng nhựa hăng say đào cát. Ánh nắng ấm áp chiếu rọi cái dáng làm việc bận rộn của cậu bé, và những hạt cát kia dưới bàn tay của cậu đã trở thành những con đường, cây cầu và đường hầm cát xinh đẹp. Song trong quá trình thi công, vô tình xuất hiện một hòn đá lớn. Cậu bé bắt đầu đào cát quanh hòn đá, sau đó ôm lấy hòn đá định nhấc đi. Cậu bé quá nhỏ mà hòn đá quá lớn, cậu hoàn toàn bất lực khi cố sức dời hòn đá sang mép hố cát. Cậu nghiến răng, hét to lên, nhấc hòn đá một lần rồi lại lần nữa. Thế nhưng, cứ mỗi lần cậu nhấc lên được một chút là hòn đá lại trượt rơi xuống hố cát. Cậu bé hét to, xông tới, dồn hết sức lực của một đứa trẻ nâng hòn đá to ấy, hòn đá lại rớt xuống, va vào chân làm cậu bị thương. Cậu ngồi bệt xuống cát, khóc nức nở. Chứng kiến mọi chuyện từ đầu chí cuối, Lưu Bị đứng dậy đi tới trước hố cát, ngồi xuống và hỏi cậu bé:
– Em trai à, em muốn nhấc hòn đá này đi phải không?
Cậu bé chán nản, khóc thút thít:
– Vâng, nhưng mà em nhấc không nổi. Em đã cố hết sức mà vẫn không nhấc nổi nó!
Lưu Bị thân tình:
– Em nói vậy là không đúng rồi. Em vẫn chưa dùng hết sức, em đã nhờ anh giúp đâu.
Lưu Bị nhảy xuống hố cát, ôm lấy hòn đá và nhấc đi, tựa như cậu vừa nhấc hòn đá từ chính lòng mình đi vậy. Cậu chợt hiểu ra điều gì đó nên vội vàng quay về ký túc xá, ngồi trước bàn đọc sách. Trên một tờ giấy trắng, bên trái cậu viết ra những khó khăn, bên phải cậu viết ra những nguồn lực mà mình có thể dùng. Cậu nhận thấy, dùng phép so sánh như thế thực sự là một cách hiệu quả để giải quyết khó khăn.
Cậu viết trong nhật ký: “Từ nay về sau, bất kể gặp khó khăn, trắc trở gì, cho dù thất vọng đến mấy, mình đều phải nhớ tới hòn đá kia, sau đó tự hỏi: Mình đã cố gắng hết sức chưa?”
Bài học 7: Để tâm hồn dâng tràn cảm xúc
Cái tết rộn ràng nhanh chóng trôi qua, sinh viên năm thứ tư phải đối mặt với học kì cuối cùng đầy căng thẳng. Chuyện tìm việc của Lưu Bị vẫn không chút khả quan, cậu sốt ruột than vãn với Quan Vũ và Trương Phi:
– Các chú nói xem, vì sao anh không thể kiếm nổi một công việc chứ?
Trương Phi không chút khách khí:
– Anh xem lại mình đi, suốt ngày bộ dạng ủ ê, ai còn muốn nhận nữa?
Quan Vũ cũng nói:
– Lưu Bị, không phải chúng em nói anh, nhưng anh phải tích cực lên. Con người ta tích cực, tinh thần mới phấn chấn. Những người ngồi ở bàn tuyển dụng cần những thanh niên hoạt bát. Còn anh tiêu cực như vậy thì kết quả chỉ hoàn toàn ngược lại thôi.
Lưu Bị thở dài:
– Anh cũng muốn tích cực lắm chứ. Nhưng chẳng hiểu tại sao anh không làm được.
Trương Phi đặt hai chiếc cốc thủy tinh trên bàn sát lại với nhau, đổ nước vào, sau đó bốc một nắm bụi đất rắc vào một chiếc cốc rồi hỏi Lưu Bị:
– Anh thấy không, em là chiếc cốc nước trong, vì thế không lo lắng u sầu. Còn anh là cốc nước đục, mặt mũi ủ ê cả ngày. Anh nói đi, có cách gì để làm trong cốc nước đục kia?
Lưu Bị nói:
– Có hai cách: một là để lắng cặn, hai là lọc bỏ cặn.
Đang đọc “Tả thị Xuân Thu”, Quan Vũ bỏ sách xuống, nói:
– Ý Trương Phi là: cốc nước trong tượng trưng cho tư tưởng tích cực, cốc nước đục tượng trưng cho tư tưởng tiêu cực. Cách để lắng cặn đồng nghĩa với việc dồn nén u uất vào một nơi sâu thẳm trong tim, một lúc nào đó anh tưởng là đã quên đi, chẳng ngờ rằng khi sóng gió nổi lên nó lại bao phủ khắp tâm hồn anh vậy. Các nhà thơ thường có câu “Vừa xuống qua mặt, đã ở trên tim” để thể hiện trạng thái đó, do vậy cách để lắng cặn không ổn.
Lưu Bị hỏi:
– Vậy lọc bỏ cặn được không?
Quan Vũ nói:
– Cách lọc cặn giải quyết vấn đề có phần triệt để hơn, song nó vẫn có hai khuyết điểm. Bùn cát bị chặn ngoài màng lọc rất dễ làm tắc lỗ lọc, khi áp lực bên ngoài màng lọc quá lớn cũng rất dễ làm rách màng lọc. Vì vậy, lọc cặn chỉ có thể duy trì được nước trong trong khoảng thời gian ngắn, mà “Sa chân một bước, hận ngàn năm” lại là điều thường gặp trong cuộc đời.
Lưu Bị hỏi:
– Chẳng lẽ các chú còn cách nào tốt hơn?
Trương Phi nói:
– Tất nhiên rồi.
Nói đoạn Trương Phi đưa hai ông bạn vào phòng vệ sinh, để cốc nước đục dưới vòi và vặn mở vòi nước. Dòng nước trong xối vào, nước đục trong cốc nhạt màu dần và tràn ra ngoài, không đầy một phút sau, cốc nước đục đã hoàn toàn biến thành cốc nước trong.
Trương Phi nói với Lưu Bị:
– Anh thấy không? Nước trong vòi tượng trưng cho niềm vui, sức sống và lối suy nghĩ tích cực. Nó có thể làm vơi phiền muộn, xua tan lo âu, loại bỏ những thứ tiêu cực. Cũng giống như việc anh muốn một cốc nước trong, anh nên chọn lựa lối suy nghĩ tích cực, khiến con người phấn chấn, luôn để những suy nghĩ này gột rửa tâm hồn.
Lưu Bị nói:
– Các chú biết đấy, anh tuy xuất thân bần hàn nhưng không bao giờ quên tự khích lệ mình. Vậy mà không hiểu sao, sự chú tâm của anh rất dễ bị chuyển hướng, khiến anh không sao tích cực được.
Trương Phi nói:
– Đúng vậy. Trong quá trình đó, anh cảm thấy xấu hổ, khó chịu, hoang mang, buồn bã, bị bỏ rơi… đó là điều hết sức bình thường. Song, anh không nên để chuyện đó ảnh hưởng tới quyết tâm của mình. Anh nên chú tâm tới “kết quả cuối cùng”, hãy để những tư tưởng tích cực ấy phục vụ cho “kết quả cuối cùng” của mình.
Lưu Bị nói:
– Anh biết tới đâu để tìm suối nguồn tư tưởng tích cực chảy mãi không ngừng bây giờ?
Trương Phi nói:
– Rất đơn giản, chỉ cần anh không hoài nghi thì những niềm vui, lời khẳng định, những câu danh ngôn triết lý, sự tưởng tượng tốt đẹp về mọi thứ, sự tự khen thưởng bản thân, thậm chí chỉ là một câu răn mình cũng có thể không ngừng làm xao động tâm hồn anh. Song chỉ cần anh hoài nghi, anh sẽ bị chìm lắng – chỉ cần anh chìm lắng thì những suy nghĩ tích cực kia sẽ hết tác dụng – mà mọi ưu phiền trong cuộc đời kia như tro bụi trôi nổi bất định sẽ nhân cơ hội biến cốc nước trong của anh thành cốc nước đục.
Lưu Bị mặt mày hớn hở, cười nói:
– Chú suy luận rất đúng, đúng là anh hay nghi ngờ, anh nghĩ đó chính là lí do vì sao anh không thể tích cực lên được.
Trương Phi này, chú bình thường tính tình xuề xòa, qua quýt, thật chẳng ngờ chú lại đang giấu tài.
Quan Vũ nói:
– Anh trông tam đệ bộ dạng thô lỗ vậy thôi chứ thực ra cậu ấy vẽ tranh tố nữ còn đẹp hơn ai hết, hơn nữa chữ cậu ấy cũng rất đẹp, khéo tay lắm đấy!
Lưu Bị ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
– Trương Phi này, chú tổng kết những điều lúc nãy thành một câu rồi viết ra một bức để cho anh làm câu răn mình, được không?
– Hay lắm! Trương Phi vui vẻ đồng ý, về phòng lấy giấy và nghiên mực ra, rồi viết: “Chớ hoài nghi thành công, luôn để tâm hồn dâng tràn cảm xúc!”
Lời kết
Đề tài luận văn tốt nghiệp của Lưu Bị là “Bảy bài học khi lập nghiệp”.
Năm lớp 12, mẹ đã dạy cho cậu bài học thứ nhất, giúp cậu vững tin bước vào cổng trường đại học, trở thành sinh viên trường Đại học Quản trị Kinh doanh Quốc tế Trường Giang danh tiếng.
Bài học thứ hai của người chú cho cậu chí tiến thủ, tạo thuận lợi cho cậu trong suốt bốn năm học đại học. Bài học thứ ba, thứ tư, thứ năm của thầy Lư Thực giúp cho Lưu Bị hiểu được hàm nghĩa của tình yêu thương, xã hội và sự trưởng thành. Cậu bé chơi bên hố cát đã “dạy” cho Lưu Bị bài học thứ sáu, nhờ đó cậu biết thế nào là dồn hết tâm sức. Quan Vũ, Trương Phi thông qua hai cốc nước đã dạy cậu bài học thứ bảy, khiến cậu hiểu ra mối quan hệ giữa tích cực và thành công. Cậu như chú chim ưng non đang phá vỏ chui ra mà thầy Lư Thực đã nói, nhờ có sự chỉ dẫn của bảy bài học này, cậu sẽ không chùn bước, dang rộng đôi cánh tuy non nớt nhưng kiên cường của mình để bay vào cuộc sống mới bên ngoài vỏ trứng. Ở đây phải nhắc đến một điều là, Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi đã kết nghĩa anh em trong vườn đào ở sườn núi phía tây trường. Xếp theo ngày sinh tháng đẻ, Lưu Bị là anh cả, Quan Vũ là anh hai, Trương Phi là em út.
Lưu Bị nói:
– Kẻ sĩ thời xưa thường quan niệm “Quân tử chơi với nhau trong như nước”, chí hướng của chúng ta không chỉ ở nghiệp văn chương, chúng ta cần phải bôn ba khắp thiên hạ, bước vào con đường lập nghiệp. Tục ngữ nói “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, ba chúng ta hợp sức lại để theo đuổi thành công, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, có chí ắt thì nên”!
Thế là câu chuyện kết nghĩa vườn đào được lưu truyền khắp thiên hạ, Tam Quốc diễn nghĩa thời lập nghiệp cũng bắt đầu từ đó.
Lời bình Làm kinh tế
Cựu huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Trung Quốc Milutinovic từng nói một câu khá nối tiếng: “Thái độ quyết định tất cả” nhưng rất ít người có thể hiểu ý nghĩa sâu xa của câu nói đó. Thế giới bao la, biết muôn triệu người, ai cũng theo đuổi bí quyết thành công. Điều đáng nói là, rất nhiều người thường oán trách hoàn cảnh của mình, do vậy không còn sức đâu mà theo đuổt thành công. Phải thừa nhận, hoàn cảnh khốn khó khiến người ta thất vọng thực sự là một hình ảnh chân thực của cuộc sống - cũng phải thừa nhận, khả năng trở thành hiện thực của một thành công nào đó đã tạo nên một hình ảnh chân thực khác của cuộc sống. Do vậy, làm thế nào để giải thích mối quan hệ giữa cuộc sống và hoàn cảnh, kì thực đều quyết định bởi thái độ của bạn. Mọi nguồn lực đều có thể giúp bạn biến thành công trở thành hiện thực. Thái độ của bạn càng tích cực, quyết tâm của bạn càng cao, nguồn lực bạn huy động được càng nhiều, xác suất thành công của bạn cũng theo đó mà cao lên. Thái độ quyết định xác suất lớn nhất của thành công, quyết định toàn bộ kiến thức để thành công. Những kiến thức đó bao gồm cả “Bảy bài học khi lập nghiệp”. Hãy để những kiến thức đó giúp bạn mở ra khởi điểm của thành công và quản lý tốt cả quá trình. Thành công đang đợi bạn ở đầu bên kia!
{ Còn tiếp …}
Phần 2: CÁCH BÁN LƯỢC CHO SƯ – Câu chuyện bán lược chải tóc cho nhà sư